GD&TĐ - Cũng như hoa nở, chim kêu, trăng lên, suối chảy, tình yêu không bao giờ dừng lại. Trong cuộc sống, nói như nhà thơ Xuân Diệu, con người không những yêu mà còn diễn đạt tình yêu thành lời. 
Folder/a2-tr24-25-HQJY.tif" alt="*">

Vì lẽ ấy mà “ông Hoàng thơ tình” đã đem tình yêu lồng vào những hoa đêm mở nữa, những mảnh trăng ngần, để rồi mơ ước “hái một mùa hoa lá thuở măng tơ”, hoặc “hút nhụy của một giờ tình tự” (Giục giã). Song, như vậy cũng chỉ là tình yêu của một cánh bướm, rối rít, vội vàng, cuống quýt trước cái ngắn ngủi của đời hoa.

Sau cách mạng tháng Tám, cuộc đời đổi thay thì tình yêu cũng thay đổi. Tuy đã qua cái tuổi hẹn hò nhưng tình yêu của Xuân Diệu lại rộng mở ngang tầm trời đất. Nhà thơ đã đem tình yêu lồng vào khung trời biển để nói cho được cái mênh mang vô hạn, cái tha thiết vô hồi, cái trường tồn bất diệt qua bài thơ Biển, sáng tác năm 1962.

Bạn đang xem: Anh không xứng là biển xanh

Câu thơ mở đầu là một lời nói khiêm nhường: “Anh không xứng là biển xanh”, ảo nhưng cũng là rất thực. Có phải nhà thơ định nói thế này không: Anh không xứng là biển xanh ở cái bề sâu rộng, hùng vĩ, nhưng ở cái phía nồng nàn tha thiết vô hạn, vô hồi thì anh xin làm con sóng biếc tình yêu để vỗ mãi, vỗ hoài. Xét cho cùng thì sóng có bao giò là của sóng đâu! Sóng chẳng qua là biểu hiện cụ thể của biển đó thôi, cho nên nói không xứng là biển xanh nhưng vẫn là biển đấy. Ý này đã được lặp lại ở khổ thơ thứ sáu, với sự phát triển cao hơn:

Anh không xứng là biển xanh

Nhưng cũng xin làm bể biếc

Cái hóm hỉnh của Xuân Diệu là ở đây. Biển xanh và bể biếc, chỉ là cách nói khác nhau vè một đối tượng. Đây là lối nói vòng vo, để làm duyên, để lấy lòng người mà mình yêu đó. Có hóa mình làm biển biếc tình yêu thì người mà mình yêu mới có thể mãi mãi là bờ và thầm nói với cô gái rằng: Tình anh yêu em là mênh mông như biển, là vĩnh hằng: Là bồi hồi tha thiết như muôn trùng sóng đại dương vậy.

Tình yêu bao giờ cũng hướng tới một đối tượng lý tưởng mà mình mơ ước. Đối tượng của tình yêu ở đây, được lý tưởng hóa thành bờ cát với vẻ đẹp đa dạng. Nó vừa có vẻ đẹp rực rỡ long lanh của cát trắng pha lê dưới ánh nắng mặt trời nhưng nếu chỉ rực rỡ mãi thế thôi thí choáng ngợp và đơn điệu. Nên cần phải có sự thay hình đổi dạng, như cô gái luôn luôn thay sắc đổi màu trang phục, nhằm làm vừa mắt người tình. Vậy thì đối lập với cát trắng long lanh phải là cát vàng mịn màng, mộc mạc, không làm lóa mắt. Song, nếu chỉ có cái mộc mạc thuần phác không thôi thì cũng làm cho người ta dễ chán, nên cần phải vẻ đẹp mơ màng, lặng lẽ đắm say với hàng thông xanh xanh, vi vút bên bờ:

Anh không xứng là biển xanh

Nhưng muốn em là bờ cát trắng

Bờ cát dài phẳng lặng

Soi ánh nắng pha lê…

Bờ đẹp đẽ cát vàng

-Thoai thoải hàng thông đứng

Như lặng lẽ mơ màng


Suốt ngàn năm bên sóng.

Người đẹp nhưng còn đẹp hơn bởi thái đọ sống không kiêu kỳ. Bờ biển của tình yêu cũng vây, nó không thể là bờ đá gân guốc, là núi non hiểm trở, để cho những con sóng tình mòn mỏi dưới chân mà chẳng bao giờ tới được. Đẹp, nhưng phải là bờ cát hiền lành, phẳng lặng, mở lòng ra đón để cho những con sóng tình mãi mãi vỗ về, ôm ấp. Tuy sẵn lòng nhưng dứt khoát không phải là dễ dãi mà ta suốt đời gắn bó, thủy chung suốt ngàn năm bên sóng. Như vậy, bờ chính là hình ảnh ẩn dụ để nói về người con gái mà mình tha thiết yêu thương.

Trong tình yêu, người ta không chỉ mơ ước về một người tình lý tưởng, mà còn là khát vọng được chiếm lĩnh trái tim cảm xúc của người yêu, để từ đó mà tình yêu tự bọc lộ mình ra bằng các trạng thái tình cảm âu yếm, yêu thương. Khát vọng ấy đã hóa thành sóng vỗ bờ mà ông Hoàng ví như những nụ hôn nồng nàn cháy bỏng. Cháy bỏng nhưng không sỗ sàng mà có khi phải là sự nâng niu dè dặt :

Anh xin làm sóng biếc

Hôn mãi cát vàng em

Hôn thật khẽ, thật êm

Hoặc vỗ về tha thiết :

Hôn êm đềm mãi mãi

Cũng có khi dồn dập, đắm đuối như cơn khát muôn đời, chẳng bao giờ thấy đủ:

Đã hôn rồi, hôn lại

Cho đến mãi muôn đời

Sự bồn chồn của tình yêu vỗ sóng, đã trào lên và bao trùm mọi thời gian như hôn mãi ngàn năm không thỏa, rồi phá vỡ cả không gian lớn lao đến tan cả đất trời. cuối cùng chỉ còn lại tình yêu say đắm và lúc ấy, may chăng những trận hôn đắm đuối mới tạm dừng:

Anh mới thôi dào dạt

Để diễn tả cho được cái cơn khát tình yêu này, tác giả đã láy lại từ hôn tới sáu lần, tạo nên cái cảm giác bồn chồn, triền miên mãi không thôi. Ấy thế nhưng “cái cơn khát trong lòng mình, ai biết tận cùng đâu”! Cho nên, tình yêu phải tiếp tục bộc lộ ra ở một cung bậc khác cao hơn, đó là sự cuồng nhiệt. Khuôn khổ của con sóng, dù ào ạt, dù mãnh liệt đến đâu vẫn là nhỏ bé. Nên cần phải có cái sôi sục, cái ào ạt như nước triều dâng:

Cũng có khi ào ạt


Như nghiến nát bờ em

Là lúc triều yêu mến

Ngập bến của ngày đêm.

Chính lúc triều dâng ào ạt như nghiến, như nghiền, như muốn kéo bờ vào trong lòng biển, cũng là lúc bờ được biển ôm trong vòng tay cuồng nhiệt nhất, là lúc tình yêu dội sóng dào dạt, dâng lên tới tột đỉnh. Những từ ào ạt, nghiến nát đã đủ sức diễn tả được tính chất mãnh liệt đến mê cuồng của tình yêu. Nghiến nát bờ em, trong văn cảnh này, không biểu thị lòng căm phẫn và bạo lực mà lại biểu thị sự thỏa mãn đến cao độ trong giây phút âu yếm, yêu thương.

Trong tình yêu, người ta không chỉ mơ ước được chiếm lĩnh mà còn khao khát được tách mình ra để ngắm nhìn, chiêm nghiệm và ngơi ca niềm hạnh phúc, đồng thời hứa hẹn về sự thủy chung :

Anh không xứng là biển xanh

Nhưng cũng xin làm bể biếc

Để hát mãi bên gành

Mối tình chung không hết.

Đây là lúc biển ngoan ngoãn nằm trong vòng tay ôm ấp của bờ mà nghe sóng cất lời ru êm ái, cho hạnh phúc lứa đôi đi vào mộng đẹp.

Ở khổ thơ kết thúc, ta lại bắt gặp phong cách của Xuân Diệu trong thơ tình một thời đã qua - cái thời làm Phấn thông vàng, Gửi hương cho gió, tới những vườn tình nhưng ở đây lại là bọt tung trắng xóa của muôn trùng sóng đại dương tỏa đi muôn nơi:

Để những khi bọt tung trắng xóa

Và gió về bay tỏa muôn nơi

Như hôn mãi ngàn năm không thỏa

Bởi yêu bờ lắm lắm, em ơi!

Yêu bờ lắm lắm, thể hiện một nỗi niềm cháy bỏng,da diết. Từ lắm lắm này cứ trở đi trở lại, thành một nét riêng của thơ Xuân Diệu. Nhà thơ như không giấu được lòng yêu thương, nhớ nhung đến mức cuống quýt của mình:

Anh nhớ em, anh nhớ lắm, em ơi!

(Tương tư, chiều)

Em ơi, cát vàng em, bờ em, em và cát, em và bờ, tuy hai mà một. Đó là sự chuyển hóa giữa hai đối tượng, khi xa khi gần, tạo nên tính chất hư hư, thực thực đầy ý vị.

Nhìn chung lại: Biển là một tiếng nói mới về tình yêu lứa đôi nồng nàn, đồng thời cũng là một bài học về cách yêu mà ông hoàng thơ tình muốn truyền cho mọi thế hệ mai sau.

Ngày ấy, tôi mới chỉ học đến lớp 7, khoảng lớp 9 bây giờ, chưa có khái niệm về tình yêu nam nữ, vậy nhưng, tình cờ đọc bài thơ Biển của Xuân Diệu được chép trong sổ tay văn học của chị gái, tôi đã rất thích, lẩm nhẩm đọc và thuộc làu, đến giờ vẫn không quên. Những dòng thơ chép bằng mực xanh theo từng khổ đều đặn trên nền giấy nâu có sức lay động, lôi cuốn:

Anh không xứng là biển xanh

Nhưng anh muốn em làm bờ cát trắng

Bờ cát dài phẳng lặng

Soi ánh nắng pha lê…

*
Anh không xứng là biển xanh/Nhưng anh muốn em làm bờ cát trắng... Ảnh minh họa từ internet

Những dòng đầu tiên mở ra với âm điệu nhẹ nhàng, du dương, gợi lên hình ảnh bờ cát, biển xanh những chiều hè lặng gió, làm liên tưởng đến bóng hình nhà thơ đang lững thững dạo gót bên bờ biển biếc. Cái vô lý lại trở thành có lý: Anh không xứng là biển xanh, nhưng anh muốn em làm bờ cát trắng. Cái không có lý là sự tự so sánh của thi sĩ với vũ trụ bao la. Nhưng tình yêu bao giờ cũng có lý riêng của nó. Chính vì vậy, ngay từ những câu mở đầu, bài thơ đã có sức mời gọi. Êm dịu, bình yên, phẳng lặng vốn là biển và bờ khi lặng gió. Nhưng không phải chỉ có thế! Sau những êm dịu, mơ màng của tâm hồn thi sĩ hòa vào Bờ đẹp đẽ cát vàng, thoai thoải hàng thông đứng, như lặng lẽ mơ màng, suốt ngàn năm bên sóng là một trạng thái khác, cung bậc khác của tâm hồn được chuyển tải trong nhịp thơ dồn dập, gấp gáp như những đợt sóng liên tiếp ào ạt vỗ bờ:

Anh xin làm sóng biếc

Hôn mãi cát vàng em

Hôn thật khẽ, thật êm

Hôn êm đềm, mãi mãi…

*

Nhắc đến Xuân Diệu là người ta nói đến “Ông hoàng thơ tình”. Tình yêu trong thơ ông không bao giờ nửa vời, nhợt nhạt. Kể cả khi biết rằng: Yêu là chết ở trong lòng một ít thì thi sĩ vẫn muốn đi hết tột cùng cảm xúc, muốn dâng hiến hết mình, cháy hết mình cho tình yêu. Những câu thơ như có men say khiến người đọc ngây ngất, dù chưa một lần nếm trải vị mặn mòi của muối biển tình yêu. Những điệp từ hôn, thật, mãi, cùng với các động từ mạnh: tan, nghiến, dào dạt, ào ạt… đã thức tỉnh, lôi cuốn người đọc vào trạng thái cảm xúc của tác giả, cùng hòa vào những đợt triều dâng của tâm hồn thi sĩ:

Đã hôn rồi, hôn lại

Cho đến mãi muôn đời

Đến tan cả đất trời

Anh mới thôi dào dạt

Cũng có khi ào ạt

Như nghiến nát bờ em

Là lúc triều yêu mến

Ngập sóng của ngày đêm.

Xem thêm:

Nhịp thơ là nhịp của bước sóng, không đợt nào giống đợt nào nhưng vẫn có quy luật riêng. Nó thúc giục, lay thức tâm hồn người đọc như tiếng dương cầm khi thánh thót, khi réo rắt vang lên giữa bao bộn bề khó nhọc và lo toan của cuộc sống, ngân vọng mãi khiến cho người ta không thể dửng dưng. Những nốt nhạc tâm hồn của Xuân Diệu đã khơi dậy trong tâm hồn con người, nhất là những đôi lứa đang yêu khát khao tình yêu, khát khao cuộc sống, muốn được bay bổng, lâng lâng trong trạng thái của sóng và bờ, dẫu nó thật vô hình vì chỉ là trường liên tưởng:

Anh không xứng là biển xanh

Nhưng cũng xin làm bể biếc

Để hát mãi bên ghềnh

Một tình chung không hết

Để mỗi khi bọt tung trắng xóa

Và gió về bay tỏa nơi nơi

Như hôn mãi ngàn năm không thỏa

Bởi yêu bờ lắm lắm, em ơi!

Những câu thơ cuối cùng, tác giả lặp lại cách ví von mở đầu: Anh không xứng là biển xanh. Nhưng một bất ngờ mới trong cách nói của nhà thơ khác hẳn với ban đầu: Nhưng cũng xin làm bể biếc! Đó là một sự khẳng định tình yêu không giới hạn, không bao giờ vơi cạn của nhà thơ với cuộc đời. Lần này, tác giả không nhắc đến nhân vật trữ tình em nữa. Hình như với nhà thơ, được tan hết mình, được dào dạt, được hát mãi bên ghềnh, được hôn mãi ngàn năm không thỏa, tức là được sống và được yêu giữa cuộc đời này đã là quá đủ hạnh phúc nên dù em có là bờ cát trắng hay không thì anh vẫn mãi như con sóng vỗ bờ, không ngừng nghỉ, không mệt mỏi, không biết đến bạc đầu. Cũng như nhiều bài thơ tình khác, kết thúc bài thơ là một tiếng gọi, hô ngữ từ được cất lên từ trái tim trĩu nặng tình yêu và chất chứa niềm vui sống của nhà thơ: Bởi yêu bờ lắm lắm, em ơi!

Xuân Diệu đã đi xa cách đây 30 năm nhưng những câu thơ của ông như sóng biển ngàn năm vẫn vỗ, vẫn dội vào tâm hồn ta, lay thức trái tim những người đang sống một tình yêu con người, tình yêu cuộc sống, tình yêu lứa đôi, giúp ta hiểu hơn giá trị của tình yêu, giá trị của cuộc sống. Như biển xanh, chắc nơi thế giới xa xôi, linh hồn ông vẫn “bay tỏa nơi nơi” để thấm sâu hơn những mặn mòi của biển cả và lắng nghe tiếng gió vi vu, tiếng sóng dạt dào của thiên nhiên.